Chuyên đề môn: Tiếng việt - Phân môn: Luyện từ và câu

Chuyên đề môn: Tiếng việt - Phân môn: Luyện từ và câu

CHUYÊN ĐỀ

MÔN: TIẾNG VIỆT

PHÂN MÔN: LUYỆN TỪ VÀ CÂU

I/ VỊ TRÍ, NHIỆM VỤ CỦA PHÂN MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU

1 Vị trí của phân môn Luyện từ và câu:

 Từ và câu có vị trí quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ. Từ là đơn vị trung tâm của ngôn ngữ. Câu là đơn vị nhỏ nhất có thể thực hiện chức năng giao tiếp. Vai trò của từ và câu trong hệ thống ngôn ngữ quyết định tầm quan trọng của việc dạy và học luyện từ và câu ở tiểu học. Việc dạy luyện từ và câu nhằm mở rộng và hệ thống hóa làm phong phú từ cho học sinh, cung cấp cho hs những hiểu biết sơ giản về từ và câu, rèn cho HS kĩ năng dùng từ đặt câu và sử dụng những kiểu câu để thể hiện tư tưởng tình cảm của mình, đồng thời giúp cho hs hiểu những câu nói của người khác. LTVC có vai trò hướng dẫn HS trong việc nghe, nói, đọc, viết, giúp phát triển ngôn ngữ và trí tuệ của các em

 

doc 10 trang Người đăng thuydung93 Lượt xem 21855Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề môn: Tiếng việt - Phân môn: Luyện từ và câu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng GD & ĐT TP TAM KỲ 
Trường TH Nguyễn Viết Xuân
CHUYÊN ĐỀ 
MÔN: TIẾNG VIỆT
PHÂN MÔN: LUYỆN TỪ VÀ CÂU
I/ VỊ TRÍ, NHIỆM VỤ CỦA PHÂN MÔN LUYỆN TỪ VÀ CÂU
1 Vị trí của phân môn Luyện từ và câu:
 Từ và câu có vị trí quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ. Từ là đơn vị trung tâm của ngôn ngữ. Câu là đơn vị nhỏ nhất có thể thực hiện chức năng giao tiếp. Vai trò của từ và câu trong hệ thống ngôn ngữ quyết định tầm quan trọng của việc dạy và học luyện từ và câu ở tiểu học. Việc dạy luyện từ và câu nhằm mở rộng và hệ thống hóa làm phong phú từ cho học sinh, cung cấp cho hs những hiểu biết sơ giản về từ và câu, rèn cho HS kĩ năng dùng từ đặt câu và sử dụng những kiểu câu để thể hiện tư tưởng tình cảm của mình, đồng thời giúp cho hs hiểu những câu nói của người khác. LTVC có vai trò hướng dẫn HS trong việc nghe, nói, đọc, viết, giúp phát triển ngôn ngữ và trí tuệ của các em
2. Nhiệm vụ của phân môn Luyện từ và câu
2.1 Làm giàu vốn từ cho học sinh và năng lực dùng từ đặt câu của các em
Nhiệm vụ này bao gồm các công việc sau:
2.1.1 Dạy nghĩa từ: Làm cho hs nắm nghĩa của từ bao gồm việc thêm vào vốn thực tế của hs những từ mới và những nghĩa mới của từ đã biết, làm cho hs nắm được tính nhiều nghĩa và sự chuyển nghĩa của từ, dạy từ ngữ phải hình thành những khả năng phát hiện ra những từ mới chưa biết trong văn bản cần tiếp nhận, nắm được các thao tác giải nghĩa từ, phát hiện ra những nghĩa mới của tè đã biết, làm rõ những sắc thái nghĩa của từ trong những ngữ cảnh khác nhau.
2.1.2 Hệ thống hóa vốn từ: dạy cho hs biết cách sắp xếp các từ một cách có hệ thống trong trí nhớ của mình để tích lũy từ được nhanh chóng và tạo ra tính thường việc này hình thành ở học sinh kĩ năng đối chiếu từ trong hệ thống hàng dọc của chúng, đặt từ trong hệ thống liên tưởng cùng chủ đề, đồng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa......tức là kĩ năng liên tưởng để huy động vốn từ
2.1.3 Tích cực hóa vốn từ: dạy cho học sinh sử dụng từ, những kĩ năng sử dụng từ trong lời nói và lời viết của hs, đưa từ vào trong vốn từ tích cực được hs sử dụng thường xuyên. Tích cực hóa vốn từ tức là dạy hs biết sử dụng từ ngữ vào trong hoạt động nói năng của mình.
2.1.4 Dạy cho HS biết đặt câu, sử dụng các kiểu câu đúng mẫu, phù hợp với hoàn cảnh, mục đích giao tiếp.
2.2 Cung cấp một số kiến thức về từ và câu
 Trước khi đến trường các em đã có một vốn ngôn ngữ nhất định được thu nhận trong quá trình giao tiếp ở gia đình và xã hội xung quanh. Dựa vào vốn luyến đó của hs và các hiện tượng cụ thể của tiếng mẹ đẻ, phân môn LTVC cung cấp cho hs một số kiến thức về từ và câu một cách cơ bản, sơ giản ,cần thiết và vừa sức đối với các em. LT&C trang bị cho học sinh những hiểu biết về cấu trúc của từ, câu, quy luật hình thành của chúng. Cụ thể đó là những kiến thức về cấu tạo từ, nghĩa của từ, các lớp từ, từ loại, các kiến thức về câu như: cấu tạo câu, kiểu câu, dấu câu, các quy tắc dùng từ đặt câu và tạo văn bản để sử dụng trong giao tiếp 
 Ngoài các nhiệm vụ chuyên biệt trên Luyện từ và câu còn có nhiệm vụ rèn luyện tư duy và giáo dục thẩm mĩ cho hs.
II/ NỘI DUNG DẠY HỌC LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Chương trình dạy học Luyện từ và câu
 Ở lớp 1 chưa có luyện từ và câu, lớp 2, 3, mỗi tuần 1 tiết, ở lớp 4 và lớp 5 mỗi tuần có 2 tiết ( chưa kể các tuấn ôn tập)
 Phân môn L T& C có nhiệm vụ làm giàu vốn từ cho học sinh và trang bị cho các em một số kiến thức về từ và câu. Ở lớp 2 và lớp 3 chỉ trình bày các kiến thức học sinh cần làm quen và nhận biết chúng thông qua các bài tập thực hành. Ở lớp 4 và lớp 5 các kiến thức lí thuyết được dạy thành tiết riêng. Đó là các nội dung như từ và cấu tạo từ, các lớp từ (đồng nghĩa, trái nghĩa, đồng âm, nhiều nghĩa), từ loại, câu, các kiểu câu, thành phần câu, dấu câu, biện pháp liên kết câu.
 Ngoài ra, chương trình còn cung cấp cho hs một số kiến thức về ngữ âm - chính tả, cấu tạo tiếng.
Chương trình trên được phân bố theo các lớp như sau:
Về vốn từ
 Ngoài các từ ngữ được cung cấp qua các bài tập đọc, chính tả, tập viết.....hs được cung cấp một cách có hệ thống một vốn từ từ các bài mở rộng vốn từ của phân môn L T& C. Đó là các từ ngữ thông dụng tối thiểu về thế giới xung quanh như công việc của hs ở nhà và ở trường, tình cảm gia đình, vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, những phẩm chất và hoạt động của con người....... Những từ này được dạy ở Tiểu học gắn với việc giáo dục HS tình yêu gia đình, nhà trường, yêu tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động....... Chúng làm giàu nhận thức, mở rộng tầm hiểu biết, giúp các em nhận thấy vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người, biết yêu, biết ghét. 
 Nội dung chương trình từ ngữ ở Tiểu học phù hợp với nhận thức với yêu cầu phát triển ngôn ngữ của HS đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc trong dạy từ.
Lớp 2
 HS được mở rộng vốn từ theo các chủ đề: học tập; ngày, tháng, năm; đồ dùng học tập; các môn học; họ hàng, đồ dùng và công việc trong nhà; tình cảm, công việc gia đình; tình cảm gia đình; vật nuôi; các mùa, thời tiết, chim chóc, các loài chim; muông thú, loài thú; sông biển; cây cối; Bác Hồ; nghề nghiệp.
 Ngoài ra vốn từ còn được cung cấp ở các chủ đề mở rộng vốn từ theo ý nghĩa khái quát của từ trong các bài như: Từ chỉ sự vật, từ chỉ hoạt động, từ chỉ trạng thái, từ chỉ đặc điểm, từ chỉ tính chất và trong một số bài tập về lớp từ: từ trái nghĩa, gần nghĩa.
Lớp 3 
 HS được mở rộng vốn từ theo các chủ đề: thiếu nhi; gia đình; trường học; cộng đồng; quê hương; từ địa phương; các dân tộc; thành thị ; nông thôn; Tổ quốc; sáng tạo, nghệ thuật, lễ hội, thể thao, các nước, thiên nhiên. Nhoài ra, vốn từ còn được mở rộng trong các bài ôn tập về từ chỉ sự vật, từ chỉ hoạt động, từ chỉ trạng thái, từ chỉ đặc điểm, từ chỉ tính chất.
Lớp 4
 HS được mở rộng vốn từ theo các chủ đề nhân hậu, đoàn kết; trung thực, tự trọng; ước mơ; ý chí, nghị lực; trò chơi, đồ chơi; tài năng; sức khỏe, cái đẹp, dũng cảm, khám phá, phát minh; du lịch, thám hiểm; lạc quan.
Lớp 5
 HS được mở rộng vốn từ theo các chủ đề: Tổ quốc, nhân dân; hòa bình, hợp tác; thiên nhiên; bảo vệ môi trường; hạnh phúc; công dân; trật tự, an ninh; truyền thống; nam và nữ; trẻ em; quyền và bổn phận.
Các mạch kiến thức và kĩ năng về từ và câu:
Lớp 2
Từ và câu.
Các lớp từ: từ trái nghĩa.
 - Từ loại: từ chỉ sự vật, từ chỉ hoạt động, từ chỉ trạng thái, từ chỉ đặc điểm, từ chỉ tính chất.
Các kiểu câu: ai là gì? Ai làm gì? Ai thế nào? Khẳng định, phủ định.
Cấu tạo câu: đặt và trả lời câu hỏi “ Khi nào?”, đặt và trả lời câu hỏi “ở đâu?”, đặt và trả lời câu hỏi “vì sao?” Đặt và trả lời câu hỏi “ Để làm gì?”
Dấu câu: dấu chấm hỏi, dấu phẩy, dấu chấm than, dấu chấm.
Ngữ âm - chính tả: tên riêng và cách viết tên riêng.
Lớp 3
Từ loại : ôn tập về từ chỉ sự vật, từ chỉ hoạt động, từ chỉ trạng thái, từ chỉ đặc điểm, từ chỉ tính chất.
Biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa.
Các kiểu câu: Ôn tập về câu kiểu Ai là gì? Ai làm gì? Ai thế nào? 
Cấu tạo câu: Ôn tập: cách đặt và trả lời câu hỏi “ Khi nào?”, cách đặt và trả lời câu hỏi “ở đâu?”,cách đặt và trả lời câu hỏi “vì sao?” Cách đặt và trả lời câu hỏi “ Để làm gì?”, đặt và trả lời câu hỏi “ bằng gì?”
Dấu câu: dấu chấm hỏi, dấu phẩy, dấu chấm than, dấu chấm, dấu hai chấm.
Lớp 4
Cấu tạo từ: từ đơn, từ phức, từ ghép, từ láy.
Từ loại: danh từ, danh từ chung, danh từ riêng, động từ, tính từ.
Các kiểu câu: Câu hỏi và dấu chấm hỏi, dùng câu hỏi với mục đích khác, giữ phép lịch sự khi đặt câu hỏi, câu kể. Câu kể “ ai làm gì?” , câu kể “ ai thế nào?”, câu kể “ ai là gì?”. Luyện tập câu kể “ai làm gì?”. Câu khiến, cách đặt câu khiến, giữ phép lịch sự khi bày tỏ yêu cầu đề nghị, câu cảm.
Cấu tạo câu: Vị ngữ trong câu kể “Ai làm gì”?, Chủ ngữ trong câu kể “Ai làm gì”?, Vị ngữ trong câu kể “Ai thế nào?”, Chủ ngữ trong câu kể“Ai thế nào?”,Vị ngữ trong câu kể “Ai là gì?”, Chủ ngữ trong câu kể “Ai là gì?”; Thêm trạng ngữ chỉ nơi chốn vào câu, Thêm trạng ngữ chỉ thời gian vào câu, Thêm trạng ngữ chỉ nguyên nhân vào câu, Thêm trạng ngữ chỉ mục đích vào câu, Thêm trạng ngữ chỉ phương tiện cho câu.
Dấu câu: dấu hai chấm, dấu ngoặc kép, dấu chấm hỏi, dấu gạch ngang.
Ngữ âm - chính tả: Cấu tạo tiếng, Cách viết tên riêng người, tên địa lí Việt Nam, Cách viết tên người, tên địa lí nước ngoài; Cách viết tên cơ quan, tổ chức giả thưởng, danh hiệu, huân chương.
Lớp 5
Các lớp từ: Từ đồng nghĩa, Từ trái nghĩa, Từ đồng âm, Từ nhiều nghĩa; Dùng từ đồng âm chơi chữ.
Cấu tạo từ: Ôn tập về từ và cấu tạo từ
Từ loại: Đại từ xưng hô, Quan hệ từ, Luyện tập về quan hệ từ, Ôn tập về từ loại.
Kiểu câu: Ôn tập về câu, Câu ghép, Cách nối các vế câu ghép, Nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ,Nối các về câu ghép bằng cặp từ hô ứng
Dấu câu: ôn tập về dấu câu( dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than); Ôn tập về dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu ngoặc kép, dấu gạch ngang.
Liên kết câu: Liên kết các câu trong bài bằng phép lặp từ ngữ, Liên kết các câu trong bài bằng phép thay thế từ ngữ, Liên kết bằng phép nối.
 2 Các kiểu bài học LT&C trong sách giáo khoa:
 Phần lớn các bài học Luyện từ và câu trong sách giáo khoa được cấu thành tè một tổ hợp bài tập. Đó là toàn bộ các bài học Luyện từ và câu ở lớp 2, 3 và các bài ôn tập, luyện tập ở lớp 4, 5. ngoài ra ở lớp 4, 5 còn có các bài lý thuyết về từ và câu.
 - Bài Luyện từ và câu ở lớp 2,3 trong SGK được ghi tên theo phân môn, tên bài ghi ở mục lục. Hầu hết các bài Luyện từ và câu ở lớp 2, 3 đều bao gồm cả nhiệm vụ luyện từ và luyện câu. Ví dụ: Mở rộng vốn từ: Từ ngữ về học tập. Dấu chấm hỏi.( lớp 2, tần 1); Mở rộng vốn từ: Thiên nhiên. Ôn tập câu “Ai là gì?” (lớp 3, tuần 1)
 Ở lớp 4, 5 các bài học đã được tách thành các bài lí thuyết về luyện từ và luyện câu riêng. Ví dụ: Từ ghép và từ láy (lớp 4, tuần 4); Câu hỏi và dấu chấm hỏi (lớp 4, tuần 13)
 - Các bài học theo các mạch kiến thức từ, câu có thể chia thành hai kiểu: bài lí thuyết và bài luyện tập.
 Những bài được xem là bài lí thuyết về từ và câu ở lớp 4, 5 là các bài được đặt tên theo một mạch kiến thức và có phần ghi nhớ được đóng khung. Bài lí thuyết về từ và câu gồm có 3 phần: phần nhận xét: Phần này đưa ngữ liệu chứa hiện tượng cần nghiên cứu và hệ thống câu hỏi giúp học sinh nhận xét, phân tích để tìm ra nội dung bài học, giúp học sinh rút được các nội dung của phần ghi nhớ. Phần ghi nhớ: tóm lược các kiến thức và quy tắc bài học. Phần luyện tập: là một tổ hợp bài tập nhằm vận dụng kiến thức đã học vào trong hoạt động nói, viết. 
 Bài luyện tập là các bài có tên “Luyện tập”chỉ gồm các bài tập nhưng cũng có khi có thêm những kiến thức mới ví dụ kiến thức về các tiểu loại danh từ ở bài luyện tập về danh từ, kiến thức về các kiểu từ ghép trong bài tập về từ ghép. 
 Bài ôn tập và kiểm tra là những bài có tên gọi Ôn tập và các bài có nội dung luyện từ và câu trong tuần ôn tập giữa học kì, cuối học kì, cuối năm.
 3 Các nhóm, dạng bài tập Luyện từ và câu:
 -Dựa vào nội dung dạy học, các bài tập Luyện từ và câu được chia làm hai mảng lớn: bài tập làm giàu vốn từ và mảng bài tập theo các mạch kiến thức và kĩ năng về từ và câu. 
 Bài tập làm giàu vốn từ được chia thành ba nhóm: bài tập dạy nghĩa từ, bài tập hệ thống hóa vốn từ, bài tập dạy sử dụng từ. Bài tập theo các mạch kiến thức và kĩ năng về từ và câu được chia thành các nhóm: bài tập luyện từ, bài tập luyện câu. Ngoài ra còn có nhóm bài tập về cấu tạo tiếng và quy tắc viết hoa.
IV CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC LUYỆN TỪ VÀ CÂU:
 Dạy học Luyện từ và câu ở Tiểu học đòi hỏi người giáo viên cần phải kết hợp một cách linh hoạt nhiều phương pháp dạy học. Sau đay là các phương pháp thông dụng trong dạy học Luyện từ và câu: phương pháp phân tích ngôn ngữ, phương pháp luyện tập theo mẫu, phương pháp giao tiếp
1 Phương pháp phân tích ngôn ngữ:
 Đây là phương pháp được sử dụng một cách có hệ thống trong việc xem xét tất cả các mặt của ngôn ngữ nên được sử dụng nhiều trong dạy học phân môn Luyện từ và câu. Đó là phân tích cấu tạo câu, phân tích cấu tạo từ, phân tích nghĩa của từ, phân tích văn bản để tìm ra các phép liên kết.......
2 Phương pháp luyện tập theo mẫu:
 Phương pháp luyện tập theo mẫu là phương pháp mà học sinh tạo ra các đơn vị ngôn ngữ, lời nói bằng cách mô phỏng lời thầy giáo, SGK,..... Phương pháp này sử dụng trong dạy học Luyện từ và câu gồm nhiều dạng bài tập như đặt câu theo mẫu, tìm từ theo mẫu,.......
3 Phương pháp giao tiếp:
 Phương pháp giao tiếp là phương pháp dạy tiếng dựa vào lời nói, những thông báo sinh động, vào giao tiếp bằng ngôn ngữ. Phương pháp này gắn liền với phương pháp luyện tập theo mẫu. 
Mục đích cuối cùng của dạy học Luyện từ và câu là dạy cho học sinh cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Do đó phương pháp giao tiếp luôn phải được sử dụng trong dạy học Luyện từ và câu, phương pháp này thể hiện ở việc giáo viên tạo điều kiện cho học sinh giao tiếp với nhau, giao tiếp với giáo viên trong giờ học. Với yêu câu lấy học sinh làm trung tâm trong dạy học thì phương pháp này rất cần thiết và đảm bảo được yêu cầu đó
 V/ TỔ CHỨC DẠY HỌC LUYỆN TỪ VÀ CÂU
 1 Tổ chức dạy học bài lí thuyết về từ và câu
 Bài lí thuyết về từ và câu có cấu tạo 3 phần: Nhận xét, Ghi nhớ, Luyện tập
 - Phần nhận xét: đưa ra ngữ liệu chứa hiện tượng ngôn ngữ cần nghiên cứu và các câu hỏi gợi ý giúp học sinh tìm ra các đặc điểm có tính quy luật của hiện tượng được khảo sát. Giáo viên phải dẫn dắt học sinh lần lượt trả lời các câu hỏi này đúng và từ đó hs phát hiện ra các tri thức cần phải học, các quy tắc cần ghi nhớ.
 - Phần ghi nhớ: đây là kết luận được rút ra một cách tự nhiên từ Phần nhận xét. Đ là phần quy tắc sử dụng từ, câu cần cung cấp cho học sinh, học sinh cần ghi nhớ nội dung này. Do đó giáo viên phải có biện pháp dạy học để học sinh học không phải học thuộc lòng mà ghi nhớ trên cơ sử những hiểu biết chắc chắn. Ngay cả dạy phần này giáo viên cũng không chú trọng vào việc giảng giải lí thuyết.
 - Phần Luyện tập là trọng tâm của giờ học. Phần này giúp học sinh củng cố và vận dụng những kiến thức lí thuyết vào giải các bài tập cụ thể. Các bài tập ở phần này có hai dạng: bài tập nhận diện và bài tập vận dụng
 + Bài tập nhận diện giúp học sinh nhận ra hiện tượng từ và câu cần nghiên cứu với mức độ thấp là các hiện tượng này được in sẵn trong ngữ liệu khác ( ví dụ : Ghi lại các từ đơn và từ phức trong đoạn văn sau.); mức độ cao hơn học sinh phải tìm các hiện tượng về từ và câu trong vốn Tiếng Việt của mình.
 + Bài tập vận dụng tạo điều kiện cho học sinh sử dụng những đơn vị từ ngữ, ngữ pháp vào hoạt động nói năng của mình.
 Như vậy để có thể dạy một kiến thức lí thuyết về từ và câu, chúng ta cần đặt khái niệm cần dạy trong hệ thống chương trình để thấy rõ vị trí của nó, đồng thời phải nắm chắc nội dung khái niệm, nghĩa là dấu hiệu bản chất của nó. Mỗi giáo viên cần lập một bảng thứ tự các kiến thức cần thiết về từ và câu được dạy ở Tiểu học, nội dung của chúng để có một cái nhìn, tổng quát, chính xác và có “mức độ”.
 Sau khi đã nắm được vị trí, nội dung kiến thức và kĩ năng cần cung cấp cho học sinh, giáo viên cần nắm được các bước lên lớp, các phương pháp dạy học để có thể dạy học đạt kết quả tốt nhất.
 2 Tổ chức dạy bài thực hành Luyện từ và câu
 Các bài thực hành LT&C được xây dựng từ một tổ hợp bài tập nên dạy thực hành từ, câu chính là tổ chức cho HS làm các bài tập LT&C. Sau đây là một số lưu ý khi tiến hành các bước lên lớp một giờ dạy bài thực hành LT&C.
 Để tổ chức thực hiện các bài tập LT&C, giáo viên phải nắm được mục đích, ý nghĩa, cơ sở xây dựng, nội dung bài tập và biết cách giải chính xác bài tập, biết trình tự tiến hành giải bài tập để hướng dẫn cho HS. Trong giáo án cần ghi rõ mục đích bài tập, lời giải mẫu, những sai phạm dự tính HS có thể mắc phải và cách điều chỉnh đưa về cách giải đúng. Tuần tự công việc giáo viên cần làm trên lớp lúc này là ra nhiệm vụ, hướng dẫn HS thực hiện và kiểm tra đánh giá.
 2.1 Giáo viên cần nêu đề bài một cách rõ ràng, nên yêu cầu học sinh nhắc lại đề, khi cần thì giáo viên phải giải thích để em nào cũng nắm được yêu cầu của bài tập. 
 Khi dạy thì giáo viên cần chú ý có thể chia cắt bài tập để phù hợp với nhận thức của HS nhưng cần phải phân bố thời gian hợp lí, cũng có thể lược bỏ, bổ sung bài tập. Khi chia bài tập cần chú ý để có sự phân bố phù hợp đối tượng: có bài tập dành cho HS giỏi, có bài tập dành cho HS yếu, kém
 2.2 Khi hướng dẫn HS làm bài tập, giáo viên phải nắm chắc trình tự giải bài tập. Cần phải dự tính trước những khó khăn những lỗi HS có thể mắc phải khi giải bài tập để sửa chữa kịp thời. Khi thực hiện bài tập cần chia thành các mức độ cho phù hợp với các đối tượng HS khác nhau, cần giúp HS yếu kém bằng những câu hỏi gợi mở. Trong quá trình tiến hành bài tập cần tăng dần mức độ độc lập làm việc của HS. Giai đoạn đầu HS làm bài dưới sự hướng dẫn của giáo viên, giai đoạn sau HS tự làm bài là chính.
 2.3 Cuối cùng là bước kiểm tra, đánh giá, việc này vừa kích thích hứng thú học tập của HS , vừa cho HS một mẫu sản phẩm tốt nhất để HS học tập. Giáo viên phải có lời giải đúng, với các bài giải sai của HS giáo viên không nên phủ nhận ngay lập tức mà phải dựa vào quy trình bài tập chia ra bước nhỏ để thực hiện từ đó chỉ ra các bước sai của HS để từ đó HS không vi phạm nữa. 
 VI/ QUY TRÌNH GIẢNG DẠY CÁC DẠNG BÀI LUYỆN TỪ VÀ CÂU
 A.Dạng bài lí thuyết: 
 1. Kiểm tra bài cũ: yêu cầu HS giải các bài tập ở nhà hoặc nêu ngắn gọn những điều đã học ở tiết trước, cho ví dụ minh họa.
 2. Dạy bài mới: 
 a) Giới thiệu bài
 b) Hình thành kiến thức mới
 - Phần nhận xét: giáo viên dẫn dắt HS phân tích các ngữ liệu để từ đó rút ra kết luận ở phần ghi nhớ
 - Phần ghi nhớ: giáo viên cần có biện pháp để HS không phải học thuộc lòng phần này mà nắm nó trên cơ sở hiểu rõ các ngữ liệu ở phần nhận xét
 - Phần luyện tập: 
GV tổ chức cho HS thực hiện từng bài tập trong SGK theo trình tự sau:
+ Đọc và xác định yêu cầu của bài tập 
+ Giải một phần bài tập làm mẫu
+ HS làm bài tập theo hướng dẫn của giáo viên
+ Trao đổi, nhận xét, đánh giá kết quả. Rút ra những điểm ghi nhớ về kiến thức
Củng cố:
 GV chốt lại các kiến thức hoặc dùng câu hỏi gợi ý để HS nêu lại các kiến thức, kĩ năng vừa được học.
 4. Nhận xét, dặn dò:
 Nhận xét về tiết học
 Dặn dò HS về thực hành luyện tập ở nhà và chuẩn bị bài kế tiếp
 B. Dạng bài thực hành:
 1. Kiểm tra bài cũ: yêu cầu HS giải các bài tập ở nhà hoặc nêu ngắn gọn những điều đã học ở tiết trước, cho ví dụ minh họa.
 2. Dạy bài mới: 
 a) Giới thiệu bài
 b) Hướng dẫn luyện tập
 GV tổ chức cho HS thực hiện từng bài tập trong SGK theo trình tự sau:
+ Đọc và xác định yêu cầu của bài tập 
+ Giải một phần bài tập làm mẫu
+ HS làm bài tập theo hướng dẫn của giáo viên
+ Trao đổi, nhận xét, đánh giá kết quả. Rút ra những điểm ghi nhớ về kiến thức
Củng cố:
 GV chốt lại các kiến thức hoặc dùng câu hỏi gợi ý để HS nêu lại các kiến thức, kĩ năng vừa được học.
 4. Nhận xét, dặn dò:
 Nhận xét về tiết học
 Dặn dò HS về thực hành luyện tập ở nhà và chuẩn bị bài kế tiếp
VII/ KẾT LUẬN:
 Qua thực tế dạy học và qua nghiên cứu tài liệu cho tôi thấy Luyện từ và câu là một phân môn đòi hỏi người giáo viên phải có sự trải nghiệm về thực tế giao tiếp cũng như sự nghiên cứu chương trình dựa trên thực tế học sinh. Do đó chuyên đề này sẽ không tránh sự thiếu sót nhưng tôi tin rằng nó cũng góp phần bổ sung thêm những kiến thức lý thuyết trong giảng dạy phân môn cho đội ngũ giáo viên đứng lớp. Với kinh nghiệm còn non yếu tôi rất mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô để có thể hoàn thiện cho chuyên đề này.

Tài liệu đính kèm:

  • docCHUYEN DE LUYEN TU VA CAU.doc